Về bản dịch lại Tâm Kinh của TS Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (TNH) đã dịch lại Tâm kinh với nhiều biến hóa về ngữ nghĩa (lưu ý ngữ nghĩa mới quan trọng dù cấu trúc câu tự nó cũng mang ý nghĩa).

Sinh viên môn Dịch thuật nên đọc kỹ bài dưới đây của tác giả Lê Tự Hỷ, đọc luôn các tài liệu tham khảo của ông. Đây là một bài phê bình dịch thuật xác đáng. Tôi đặc biệt lưu ý cách dịch qua Việt và Anh ngữ của thầy phản ảnh một sự hiểu nhầm về ngữ nghĩa. Thí dụ ngay câu đầu Tâm kinh có câu …’hành thâm’ thì không phải ‘thâm’ là trạng từ (adverb) bổ nghĩa cho ‘hành’ (practice). Mà ‘thâm’ chính là tính từ (adjective) bổ nghĩa cho Bát Nhã Ba La Mật (Bát nhã sâu, thâm Bát nhã). TNH dịch thành ‘trong khi quán chiếu sâu sắc’, và bằng tiếng Anh ‘practicing deeply’. Một số ‘học giả’ đương thời cũng hiểu nhầm chỗ này, nhưng vẫn hùng hồn giảng nghĩa.

Nếu nghĩa là ‘trong khi quán chiếu sâu sắc’ (Việt), và ‘practicing deeply’ (Anh ngữ) thì văn phạm Hán phải là: THÂM HÀNH chứ không phải như bản Hán gốc (Huyền Trang dịch) của Tâm Kinh, bắt đầu bằng câu: ‘Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời…’

F. Max Muller, học giả lừng lẫy của châu Âu về Ấn độ học và tiếng Sanskrit, dịch đoạn này rất rõ: “When Bodhisattva Avalokitesvara practices the profound Prajna-paramita…”

Trong dịch thuật, chỉ có thể gọi là dịch sai khi hiểu sai ý bản gốc; còn dịch khác người khác không phải là dịch sai.

Trước khi sinh viên đọc bài của tác giả Lê Tự Hỷ theo đường link bên dưới, cần lưu ý rằng Tâm Kinh (Hán văn) dịch từ nguyên bản tiếng Phạn (Sanskrit) Bản Hán đang được đọc tụng là do ngài Huyền Trang dịch. Đặc tính của Phạn ngữ là ngôn ngữ của âm thanh; đặc tính của Hán ngữ là ngôn ngữ của hình tướng (tượng hình). Chính vì vậy nếu chỉ dựa vô Hán ngữ để dịch mà không đối chiếu với bản gốc Phạn ngữ, dấu chấm câu dễ sai khiến cho câu có nghĩa khác.

Tôi lấy thí dụ trong bản Tâm kinh âm Hán Việt hiện nay, đoạn gần cuối bài đọc là: “… năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú …”. Thiệt ra, phải chấm câu như sau: “năng trừ nhất thiết khổ, chân thật, bất hư cố. Thuyết bát nhã ba la mật đa chú…” Tức “bất hư cố” phải thuộc câu trước. Chấm câu trong Việt ngữ chỉ đúng nếu hiểu nguyên tác Phạn đúng vì văn bản Phạn không dùng dấu chấm câu. Thầy Tuệ Sĩ giảng rất kỹ về CẤU TRÚC CÂU trong cuốn Thiền và Bát Nhã (nxb Phương Đông, 2010). Lưu ý tôi chỉ nhắc các bạn đọc cách phân tích câu của thầy Tuệ Sĩ trong cuốn này chứ không phải cách thầy Tuệ Sĩ hiểu Tâm Kinh.

Đặc biệt bài giải thích ‘Lý do phải dịch lại Tâm kinh’ trên trang web Làng Mai, trong lĩnh vực dịch thuật có thể coi là một quan điểm dịch, đã không giải thích được những chỗ mà TNH chê các bản cũ (Thượng Sĩ, Lục tổ Huệ Năng).

Thí dụ, Tâm kinh nói: ‘Thị chư pháp Không tướng’, nghĩa là CÁC PHÁP MÀ CÓ TƯỚNG KHÔNG, nhưng thầy TNH diễn Nôm là ‘tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không’. Đã đành sự vật đều do nhân duyên (điều kiện) mà thành, do đó sự vật không có bản chất – không có tự tính. Tuy nhiên ở câu này thì ý là ‘chỉ các pháp mà có TƯỚNG KHÔNG thì mới không sinh không diệt không dơ không sạch. Là sao? Là TƯỚNG KHÔNG của bậc ngộ mới bất sinh bất diệt, chớ TƯỚNG KHÔNG của thất phu lỗ mãng thì làm sao mà thoát được sinh diệt, chớ.

Lưu ý về mặt văn phạm, KHÔNG TƯỚNG là tướng Không của sự vật, chứ không phải không có tướng. Cái hiểu nhầm này cũng tựa như có người hiểu ‘yếu điểm’ cũng đồng nghĩa với ‘điểm yếu’. Thiệt là!

Thầy NH hiểu chữ không là không có gì cả theo nghĩa hư vô. Cái hiểu này được thầy thí dụ qua câu chuyện ông thầy véo mũi thì chú tiểu thấy đau, rồi kết luận ‘sao lại nói không có mũi’. Hiểu vậy là theo thuyết hư vô luận. Mũi là mũi chớ sao lại không có. Nói ‘không có mũi’ là nói đến tự tánh chứ không phải nói cái không hư vô.

Một thí dụ khác: “vì thế mà trong cái Không” (“thị cố Không trung”, nghĩa là “trong Không”, viết hoa, TNH không viết hoa),  TNH không nói rõ “cái Không” đó là cái không gì. Có một số cách hiểu về Không trong câu này. Đó là cái không của tâm tĩnh lặng, không nắm bắt bất kỳ cái gì cả. Khi không nắm bắt (duyên) thì tâm sẽ thấy thực tướng (nature) của tất cả sự vật (pháp) hiện ra. Một cách hiểu khác, và tôi cũng hiểu theo cách này, là ‘thị cố Không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô…’ là trong (cái tướng) Không, không có sắc, không có thọ…’.

Bài giải thích của thầy TNH không nói phương pháp dịch: Vì sao muốn Việt hóa mà danh từ riêng lại không Việt hóa trong khi các danh từ riêng đó đã quá quen thuộc với người Việt, như Sariputra là Xá Lợi Phất. Các bạn sinh viên phải tránh lỗi thứ hai này, quan điểm dịch phải rõ ràng và thống nhất (consistent). Quan trọng nhất, đừng làm sự việc rắc rối và bí hiểm hơn chỉ để che đi cái không biết của mình.

Hẹn các bạn lúc não rảnh sẽ viết vụ này. Bây giờ xin mời đọc bài phê bình rất hay:

https://hoavouu.com/p23a44100/vai-nhan-xet-ve-van-de-dich-lai-tam-kinh-cua-thay-nhat-hanh

One thought on “Về bản dịch lại Tâm Kinh của TS Thích Nhất Hạnh

  1. thiền sư Thích Nhất Hạnh để cái bản ngã ăn mất thời gian tu tập dịch làm hỏng bản Bát Nhá Tâm Kinh tội lỗi !!! tội lỗi làm chúng sinh khó tiếp thu Chánh pháp

    Like

Leave a comment